Trong 2 năm vừa qua, do sốt giá nên thị trường lan đột biến 10 người mới nhảy vào tôi thấy có khi 8-9 người là đầu cơ, anh nghĩ ra sao về chuyện đó?
Có hai nguyên nhân, thứ nhất đó là do định hướng sai, chỉ chơi mặt bông tầm cao mà bỏ qua các mặt bông tầm thấp. Có khi cả gia tài của 10 người mới mua được 1 cây nên vì vậy mà phải “đi chợ”, cùng nhau cổ phần rồi bán. Thứ hai là lòng tham của con người, nhìn thấy những người đầu tư trước giàu nhanh quá nên đã đầu tư bằng các "đòn bẩy" tài chính vượt quá khả năng và điều kiện thực tế của mình.
Cũng bởi nhiều người vừa rồi đầu tư vào lan đột biến chỉ vì thấy nó “đẻ” ra tiền mỗi ngày mà không có cái gốc từ đam mê nên tạo ra sự ác cảm của xã hội với lan đột biến. Anh nghĩ sao về chuyện đó?
Vấn đề này có nhiều nguyên nhân. Nhưng cơ bản nhất là người mới tham gia chưa chuẩn bị cho mình những kiến thức nhất định về cây lan, thị trường, văn hóa kinh doanh và tâm thế khởi nghiệp. Họ đánh giá cây lan là một sản phẩm tài chính sinh lời nhiều hơn là một cây trồng nông nghiệp giàu tiềm năng, nhưng cũng rất đặc thù. Họ chạy theo sự chênh lệnh giá, chứ không chạy theo chuỗi giá trị cấu thành sản phẩm. Trong đó, yếu tố quyết định sự thành công phải dựa vào việc tạo ra giá trị gia tăng, sự khác biệt của mỗi nhà vườn.
Lẽ ra phải xuất phát từ đam mê, theo đuổi từ những cây tầm thấp đã được thị trường chấp nhận như 5 cánh trắng Phú Thọ rồi nhân giống ra. Từ đó, kế thừa và phát triển cả văn hóa lẫn những giá trị đã được tạo dựng nhiều thế hệ để tiếp cận thêm những mặt bông mới, những giá trị mới, chứ không phải xa rời cái gốc rễ căn bản của nó. Kinh doanh là phải “liệu cơm gắp mắm, lấy ngắn nuôi dài”, tái đầu tư phù hợp với khả năng và trình độ canh tác, quản lý dòng tiền. Còn đầu tư thì phải luôn thấm nhuần nguyên tắc “không nên bỏ hết trứng vào một giỏ”. Nghĩa là người đầu tư khôn ngoan là phải biết phân tán rủi ro, không nên tập trung quá nhiều tiền vào một phân khúc cụ thể. Nhưng thực tế thì dường như mọi chuyện đã diễn ra theo chiều hướng ngược lại?
Anh có lý giải được tại sao ra ngoài xã hội thì 10 người thì có lẽ 9 người ác cảm với cụm từ lan đột biến?
Như tôi đã phân tích ở trên, ở đây có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Thị trường hoa lan là thị trường mới nổi, vốn dĩ nó là hàng hóa đặc thù gắn với một thú chơi. Vì vậy về phía các cơ quan quản lý chưa có những hướng dẫn cụ thể, hành lang pháp lý chưa đầy đủ để điều chỉnh các mối quan hệ khi có những tình huống mới phát sinh.
Phải khẳng định có nhân tố chủ quan từ những người tham gia vào thị trường cũng chưa có nhận thức đầy đủ nên dễ phát sinh rủi ro trong trường hợp thiếu thông tin giữa các bên tham gia. Cùng với đó, hoa lan hay bất kỳ mặt hàng nào khi có lợi nhuận cao cũng sẽ phát sinh những hiện tượng tiêu cực đi kèm như: lừa đảo, gian dối…
Trong bối cảnh đó, vai trò của các hiệp hội chuyên ngành thì mờ nhạt, truyền thông thiếu sự định hướng kịp thời sẽ tạo ra những ý kiến trái chiều, thậm chí là sự kì thị của một bộ phận trong xã hội là điều khó tránh khỏi.
Nguồn : trích từ bài viết "Nghệ nhân Trương Quốc Chính chia sẻ về xu hướng phát triển thị trường hoa lan hậu COVID19"