Từ cổ xưa hoa lan được coi như một món quà tinh thần tuyệt đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho loài người. Qua chiều dài tháng năm lịch sử, con người chưa hề ngừng sưu tầm để chiêm ngưỡng các tác phẩm tuyệt mỹ ấy. Hoa lan luôn được nhiều người ưa thích bởi lẽ hoa lan có cấu trúc rất kiêu kỳ và phức tạp như những tác phẩm được chạm trổ hết sức tinh vi, nhất là bộ phận mắt và môi hoa đã làm nhiều nhà điêu khắc phải thán phục. Hoa lan bao gồm rất nhiều màu sắc, được pha trộn một cách hài hòa, cân đối, khi thì hiện lên những nét tương phản rõ nét, khi thì chìm lắng một cách lặng lẽ thẳm sâu. Cây lan lại mang những nét đặc thù thú vị của một loại cây trồng không đất. Khác với các loài ký sinh thông thường có tác dụng hủy hoại ký chủ, trái lại đa số loài lan sống phụ sinh, chỉ xem giá thể như là vật để giá đỡ lan trong không gian và giữ ẩm cho bộ rễ. Vì thế cha ông ta đã dùng cây lan biểu hiện cho người quân tử “Mai, Lan, Cúc, Trúc” một đạo đức cao quí của con người Việt Nam.
Ngoài vẻ đẹp kiêu kỳ, quyến rũ, lan còn có các đặc điểm mà nhiều loài hoa khác không có được, với hương thơm đặc biệt, đa dạng mà hầu như không có loại hương liệu nhân tạo nào sánh được cùng với ưu điểm lâu tàn đã tạo cho lan trở thành một loại hoa vương giả. Ở châu Á, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) là nước có sản lượng lan công nghiệp lớn nhất với trị giá kim ngạch xuất khẩu hàng năm tới hàng chục triệu đôla.
Hoa lan (Orchidaceae) là một trong đỉnh cao của sự tiến hóa của các loài cây có hoa. Hoa lan được con người biết đến rất sớm. Ở châu Á, danh từ lan là tên có từ xa xưa trong Tứ thư, Ngũ kinh và cả trong Kinh dịch của Bách Gia Chư Tử (Trung Quốc 551 – 479 trước công nguyên). Hoa lan được tượng trưng cho người quân tử. Nhà chính trị gia – triết gia Khổng Phu Tử ( Khổng Tử 28/9/551 TCN – 11/4/479 TCN) đã hết lời ca ngợi hoa lan và có lẽ là người đầu tiên coi hoa lan là vua của các loài hoa. Hoa lan đến với người Việt Nam từ những bông hoa đẹp, từ những vị thuốc chữa bệnh được lưu truyền trong dân gian từ đời này qua đời khác cho đến ngày nay. Hoa lan là một loài hoa quý, đối với người Việt Nam, hoa lan tượng trưng cho sự trong sạch, thanh cao, số người hiểu biết về hoa lan tuy còn ít ỏi, và những người chơi lan trước đây chủ yếu là những người giàu có, những nho sĩ, những cụ già nhàn rỗi…
Từ thế kỷ 12, vua Trần Anh Tông là một người thích sưu tầm các loại hoa, các cây cảnh uốn thế và các loại hòn non bộ. Đặc biệt là đã sưu tập được 500 loài cây lan quý, lập nên “Ngũ bách viên” – niềm kiêu hãnh của một ông vua hào hoa phong nhã. Các sứ thần Trung Quốc và các nước mỗi khi đến Việt Nam, vua Anh Tông thường đích danh dẫn họ đi xem vườn. Ai cũng tấm tắc khen và cho rằng Đông phương có một không hai, không ai có được vườn lan quý như vậy, vua Anh Tông thường sai bảo quần thần đi khắp nơi, lên rừng xuống biển, qua cả các nước Lào, Chiêm Thành, Phù Nam, Xiêm La tìm các loài hoa quý, lạ đưa về nuôi trồng.
Bên cạnh “Ngũ bách viên” của vua Anh Tông, có một vườn lan ở phường Thanh Hà – Thăng Long. Đó là vườn của một cự phú họ Lữ, người Trung Hoa, anh ruột của Tổng đốc Quảng Tây Lữ Cảnh Phú, tên là Lữ Hồng Chiêu. Vườn lan của Lữ Hồng Chiêu toàn những loài lan quý, hiếm và có hương thơm ngào ngạt, Lữ Hồng Chiêu có những kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc vườn lan rất đặc biệt, ông có một số nữ nhân công chuyên chăm sóc lan. Bí quyết của việc chăm sóc cho lan làm kích thích cho cây lan tốt, chóng ra hoa và hoa bền đẹp là dùng nước tắm của mỹ nữ để tưới cây hoa lan. Bí quyết về kỹ thuật này khởi thủy từ Đỗ Phủ đời Đường của Trung Quốc lưu truyền lại.
Trong “Vũ trung tùy bút” và “Tang thương ngẫu lục” của Phạm Đình Hổ, ông đã mô tả nhiều cảnh ở Tây Hồ, Bắc Cung, Long Trì và việc nuôi trồng hoa, chơi cây cảnh của vua quan và nhân dân ta. Mục “Hoa thảo” trong “Vũ trung tùy bút” đã mô tả nhiều loài hoa như Thạch hoa, Thanh lan, Đông lan, Kiết lan, đồng thời có nói rõ kỹ thuật trồng lan.
Nhiều tác phẩm văn thơ Việt Nam ngàn xưa đã nhắc nhiều loại hoa lan như trong bài thơ nổi tiếng “Lan vi quân tử” của danh nhân Cao Bá Quát. Đặc biệt là trong các sách nói về cây thuốc như của Hải Thượng Lãn Ông và các sách thuốc khác lưu truyền ở Việt Nam đều có nêu lên những cây lan làm thuốc chữa bệnh.
Những năm gần đây phong trào chơi lan phát triển mạnh, giới mộ điệu đã phát hiện sưu tầm được nhiều giống đột biến gen độc đáo, có thể là qua quá trình tự thụ phấn trong nó mang kiểu gene mới, có hoa mang những vẻ đẹp tuyệt sắc như Giáng hương Tam bảo sắc Trắng, Phi điệp 5 cánh trắng, 5 cánh hồng, Kiếm…tuy nhiên một số giống loài cây còn khá là ít và hiếm nên giá thành còn quá cao so với khả năng sưu tầm của đại chúng.
Bài viết có sử dụng tư liệu Giáo trình hoa Lan – Trường ĐHNL (Thái Nguyên)