Notification

×

Iklan

Iklan

Ghép lan đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ lên cây Đa tại Đình thiêng Cổ Tiết

Tình Nguyễn - 04 tháng 12 Last Updated 2021-12-13T09:53:37Z
Bình luận
    CHIA SẺ
Trong chuỗi hoạt động “Uống nước nhớ nguồn – Tôn vinh vẻ đẹp hoa lan đất Tổ” hướng tới sự kiện tổ chức Festival hoa lan Quốc tế 2022, sáng ngày 04/12/2021 đoàn hội Sinh vật cảnh và làm vườn tỉnh Phú Thọ gồm có ông Đào Xuân Minh – Phó chủ tịch hội, anh Trương Quốc Chính – Uỷ viên BCH hội với sự tham gia của ông Cù Minh Loan – Phó chủ tịch UBND xã Vạn Xuân, phóng viên Đài PTTH huyện Tam Nông đã đến dâng hương tại di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia Đình làng Cổ Tiết và tri ân ghép 5 chậu lan 5CTPT lên cây Đa thiêng.



Đình Cổ Tiết còn gọi là Đình Thượng, thuộc khu 5, xã Cổ Tiết, nay là xã Vạn Xuân huyện Tam Nông,
tỉnh Phú Thọ là một ngôi Đình linh thiêng cổ kính được xây dựng năm 1725 dưới thời Lê trung hưng theo lối kiến trúc chồng diêm tám mái, cong vút tám đầu đao, cửa quay về hướng đông. Kết cấu đình theo kiểu thước kẻ truyền, hạ bảng, lối kiến trúc chữ nhất. Đình làng thờ Ngũ vị Long vương thượng đẳng tôn thần (là 5 người con của vua Hùng Vương thứ 5) và Bà Chúa Sơn Tinh tri thần. Ngôi Đình thiêng nằm trên khu đất cao ráo thoáng đẹp có diện tích khoảng 2000m2, xung quanh có tường bao, ngay cổng ra vào có một cây Đa cổ thụ tỏa bóng mát.

Ngôi Đình thiêng cổ kính gần 300 năm

Ngoài các giá trị về kiến trúc nghệ thuật, Trong những năm tháng hào hùng của cách mạng giải phóng dân tộc khỏi chế độ thuộc địa, nơi đây còn gắn liền với những sự kiện quan trọng của cách mạng: là nơi công bố và ra mắt Ủy ban hành chính kháng chiến, ra mắt Chi bộ Đảng đầu tiên của xã và vinh dự hơn cả là trong hành trình Bác Hồ cùng Chính phủ kháng chiến lên Việt Bắc xây dựng căn cứ địa cách mạng, Người đã dừng chân ở xóm Đồi xã Cổ Tiết từ ngày 04/3-18/3, trong những ngày này Người đã đã cử tổ công tác của Chính phủ kháng chiến đến Đình Cổ Tiết nói chuyện, tuyên truyền cho Nhân dân, cán bộ, Đảng viên trong xã về chủ trương kháng chiến, đoàn kết đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược…

Chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của cách mạng, Đình Cổ Tiết mang những giá trị to lớn về văn hóa và lịch sử. Năm 2000, ngôi Đình cổ đã được Bộ Văn hóa – Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Lịch sử văn hoá cấp Quốc gia tại Quyết định số 06/QĐ-BVHTT ngày 13/4/2000.


Với người chơi lan Việt Nam đây cũng là một địa chỉ đỏ quen thuộc, có cây Đa thiêng ngay lối vào cổng Đình, nơi phát tích của cây lan Phi Điệp “quốc dân” 5 cánh trắng Phú Thọ. Theo các bác cao niên chơi lan ở huyện Tam Nông và bà con dân làng được biết, trên một cành cao của cây Đa cổ thụ ngay cổng Đình Cổ Tiết thủa ấy có một khóm phong lan Phi điệp mọc tự nhiên, hàng năm cây đều nở hoa từng chùm dài màu trắng rất đẹp, mùi hương thơm quyến rũ nhưng không ai dám trèo lấy về trồng bởi quan niệm dân gian nơi đây là chốn thờ tự linh thiêng, cứ như vậy khóm lan phát triển thành một bụi lớn trên cây Đa cổ thụ của làng. Bà con thường đến ngắm hoa và gọi là “cây cơm chùa”, có cụ già trong làng nói: cánh hoa như cánh chim Hạc trắng, có lẽ Vua Hùng linh thiêng ban cho vùng Cổ Tiết giống lan quý làm đẹp cảnh Đình nơi thờ phụng 5 người con của Ngài.


Cuối năm 1972, có một đoàn xiếc Trung ương sơ tán về ở gần đình làng Cổ Tiết. Gặp đúng mùa hoa, bụi lan bám trên cây Đa nở rộ 5 cánh trắng xoá rất đẹp mắt, hương thơm ngát bay xa, một số bác trong đoàn xiếc cũng thích hoa phong lan nên trèo lên cây gỡ đem về trồng ở các hộ gia đình mình ở nhờ…Từ đó giống lan quý đã được nhân trồng, lan toả đến với người yêu hoa lan cả nước với cái tên quen thuộc 5 cánh trắng Phú Thọ.

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua. Hôm nay ngày 04/12/2021 đoàn Hội Sinh vật cảnh và làm vườn tỉnh Phú Thọ đã đến di tích lịch sử dâng lễ tạ ơn bậc thánh nhân có công với dân tộc, tri ân nơi phát tích loài hoa quý. Được sự nhất trí của Ban quản lý di tích và chính quyền xã Vạn Xuân. Anh Trương Quốc Chính đã cung tiến 5 giò lan 5 cánh trắng Phú Thọ để tiến hành ký, ghép trở lại lên thân cây đa cổ thụ nhằm bảo tồn, lưu giữ kỷ niệm tại nơi giống lan quý sinh ra.

Có thể nói đây là một hoạt động bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh, thêm vẻ đẹp thiên nhiên đối với một di tích lịch sử cấp Quốc gia, tôn vinh giá trị lịch sử văn hoá của cây lan 5CTPT, cây Đa thiêng và cũng là tấm lòng tri ân nguồn cội của cộng đồng người yêu sinh vật cảnh nói chung, người yêu hoa lan nói riêng góp phần làm sáng rõ đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.