Notification

×

Iklan

Iklan

Lễ giỗ Tổ và vinh danh con cháu vua Hùng toàn cầu 2022

Tình Nguyễn - 05 tháng 4 Last Updated 2022-04-05T01:09:17Z
Bình luận
    CHIA SẺ
“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Câu ca dao nhắc nhớ mỗi người về ngày giỗ Tổ để tri ân các vị vua Hùng của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt là năm 2007, Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam đã chọn ngày mùng 10/3 âm lịch hằng năm làm ngày Quốc giỗ nhằm ghi nhớ công ơn các vị vua Hùng.


Dân tộc Việt Nam là dân tộc duy nhất trên thế giới có ngày Quốc giỗ (giỗ Tổ Hùng Vương) – thờ cúng ông Tổ chung của dân tộc – là bản sắc độc đáo của văn hóa Việt và bây giờ đã trở thành di sản văn hóa tiêu biểu của nhân loại. Hướng về cội nguồn trở thành niềm tin thiêng liêng của dân tộc, có sức sống lâu bền và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân.

Với hành trình tác nghiệp tại nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa, với nhiều đối tượng công chúng từ bình dân đến giới trí thức, hay các chính trị gia, nguyên thủ, nhà vua… Tiến sĩ, nhà báo Tiến sĩ, nhà báo Nguyễn Thị Bích Yến (Cộng hoà Áo) đã nhận ra một điều cốt lõi, đó là, hầu hết những quốc gia thành công đều có gốc rễ bắt nguồn từ lòng tự hào dân tộc, đồng thời, dựa vào chiến lược, sứ mệnh mà họ bảo vệ và lan toả sâu rộng nền văn hoá của mình ra thế giới.

Từ đó, chị Bích Yến đã ấp ủ một giấc mơ: “định vị giá trị văn hóa Việt trên toàn cầu” – điều đó đã thôi thúc chị hình thành và Sáng lập Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu – dự án văn hoá – xã hội, phi lợi nhuận, mang tính cộng đồng và quốc tế vào năm 2015 với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, trí thức, hội đoàn kiều bào.

Ngày 11-12-2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tiếp tục triển khai tổ chức “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu” ở các nước có đông bà con kiều bào sinh sống; đồng thời xây dựng dự án thành đề tài khoa học cấp quốc gia. Mục đích của dự án nhằm tôn vinh giá trị tinh thần của dân tộc Việt trên các phương diện: Văn hóa, xã hội, truyền thống, phong tục, ẩm thực, đặc biệt là văn hóa tâm linh, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên; định vị giá trị thương hiệu, giá trị văn hóa của người Việt, qua đó bạn bè quốc tế hiểu hơn về con người và những giá trị, thế mạnh của Việt Nam.

Sau 6 năm triển khai, dự án đã thu hút sự tham gia của đông đảo kiều bào Việt Nam trên thế giới. Dự án đã phối hợp với các nhà trí thức, khoa học, các tổ chức hội đoàn cộng đồng, các cơ quan ban ngành ngoại giao, văn hoá, báo chí, truyền thông… của Việt Nam, kiều bào và quốc tế, tổ chức nhiều hoạt động, hoàn thành sứ mệnh kết nối kiều bào và bạn bè quốc tế cùng tham gia bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở nước ngoài, nhằm gắn kết sức mạnh đại đoàn kết dân tộc;

Đối thoại liên văn hóa giữa Việt Nam với các nền văn hóa trên thế giới;

Lan tỏa, định vị giá trị văn hoá và phẩm hạnh dân tộc Việt đặt trong sự tôn trọng và tôn vinh phẩm hạnh của các dân tộc/quốc gia khác trên toàn cầu, trên môi trường thực tế và môi trường thực tế ảo/môi trường báo chí – truyền thông liên toàn cầu.

Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt không chỉ đối với Cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài, mà còn đối với bạn bè quốc tế yêu mến Việt Nam.

Chương trình này đã được Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu duy trì tổ chức hàng năm nhằm tạo dựng một ngày văn hoá chung – kết nối người Việt trên toàn cầu và bạn bè quốc tế, nhằm xây dựng cây cầu văn hoá hữu nghị vững chắc, xây dựng tình bạn chân thành giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Chương trình gồm 3 phần:

Phần I – Phần Lễ

– Biết ơn Tổ tiên các Vua Hùng (Phối hợp phát sóng lại phần Lễ giỗ Tổ Hùng Vương từ Đền Hùng – Phú Thọ, Việt Nam và phần Lễ giỗ Tổ Hùng Vương từ các nước có thành viên của Ban dự án trên thế giới);

Phần II – Phần Hội

– Về cùng nước Việt (Giới thiệu đại diện các tiết mục văn nghệ, các công trình văn hoá nghệ thuật… của bào con kiều bào các nước);

Phần III – Hội nghị Vinh danh

-Vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu (Kết nối trực tuyến vinh danh đại biểu kiều bào và bạn bè quốc tế từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ trên cả năm châu lục trên thế giới (do Hội đồng Vinh danh gồm các nhà trí thức, khoa học, doanh nhân, lãnh đạo Hội đoàn cộng đồng kiều bào, quốc tế đề cử và xét duyệt): Châu Á – Việt Nam, Lào, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Campuchia, Iran, UAE, Jordan, Nepal, Nhật Bản, Isarel, Singapore; Châu Âu – Cộng hoà Áo, Vương Quốc Bỉ, Liên bang Nga, Kosovo, Hungary, Cộng hòa Séc, Ucraina, Thụy Sỹ, Ba Lan, Cộng hoà Pháp, Hà Lan, Vương Quốc Anh, Thụy Điển, CHLB Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia, Rumani, Slovakia, Bồ Đào Nha, Đan Mạch; Châu Phi – Angola, Ai Cập; Châu Mỹ – Cuba, USA, Canada; Châu Úc – New Caledonia, Australia.


Chương trình năm nay được tổ chức vào ngày 10/3 âm lịch tức là ngày 10/4/2022 theo hình thức trực tuyến và trực tiếp trên hệ thống truyền thông của Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu, được đưa tin trên các cơ quan báo chí truyền thông Việt Nam, kiều bào và quốc tế; chia sẻ trên hàng trăm Fanpage cộng đồng kiều bào các nước trên thế giới.

Gần ngày giỗ Tổ mỗi người dân Việt Nam, dù ở đâu, làm gì thì luôn nhớ mang trong mình dòng máu “con Lạc, cháu Hồng”, “con Rồng, cháu Tiên”, phải nhớ đến nguồn cội, chung tay xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, như lời hiệu triệu năm xưa của Bác Hồ kính yêu: “Hỡi ai con cháu Hồng Bàng/ Chúng ta phải biết kết đoàn cùng nhau”.

Theo hoalanchinhtruong.vn